Tôi là tác giả bài viết
. Cảm ơn các ý kiến đã đóng góp. Tôi rất mừng vì có thể đưa ra cái nhìn bao quát hơn cho vấn đề. Trong bài viết này tôi sẽ phản biện bài viết
của tác giả Lâm, để thấy rằng nuôi chó hoàn toàn có thể an toàn nếu chủ chó có trách nhiệm. Đồng thời sẽ nêu kiến thức về khoa học vi sinh vật của việc nuôi chó, để có thể bạn đọc phòng ngừa và giữ an toàn cho bản thân và cộng đồng.
Thứ nhất, không thả rông.
Chó phóng uế làm phiền hàng xóm, khi chủ lại không có ý thức dọn sẽ rất ảnh hưởng môi trường. Phân chó thường rất nhiều ký sinh trùng, đặc biệt là chó không được sổ giun đầy đủ.
Ký sinh trùng như giun tròn, giun đũa, giun chỉ... có thể lây cho người và ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng. Tôi sống ở Mỹ, chủ chó dẫn chó đi dạo, luôn cầm bịch nilon nhỏ để dọn chất thải và bỏ thùng rác, ở công viên cũng hay trang bị túi nilon sẵn. Điều này đã được coi là hiển nhiên, dựa nhiều trên ý thức hơn là có luật phạt. Tuy nhiên cũng không phải ở đâu cũng hoàn hảo, vẫn có người để chó phóng uế trên bãi cỏ, bãi đất trồng cây men vỉa hè (không phải trên đường đi). Bang Ohio và thành phố New York phạt 50-100 đôla mỗi bãi phân không được chủ dọn.
Thả rông chó còn là nguy cơ gây bệnh, tấn công người và vật nuôi khác. Nguy hiểm nhất là bệnh dại, bệnh không có thuốc chữa, ủ bệnh rất lâu lên tới vài năm và tổn thương não. Ở Mỹ gần 100% chó nuôi đều đã được chích dại vì luật bắt buộc, nên ở Mỹ gần như hoàn toàn không có ca mắc bệnh dại nào, trừ do động vật hoang cắn.
Tuy nhiên chó nếu đã cắn người thì chủ rắc rối to. Chủ sẽ đối mặt chi phí y tế bồi thường cho nạn nhân, chó sẽ bị đưa vào giám sát 10 nếu có hành vi hung dữ hoặc có dấu hiệu bệnh dại. Nếu xác định chó có hành vi, bản tính hung dữ, phát bệnh thì tòa án sẽ yêu cầu tiêu hủy.
Nếu chó cắn người mà cung cấp được giấy tờ chứng nhận đã chích dại, chó cũng không hung dữ, thì chủ sẽ đền bù chi phí y tế. Nếu chưa chích dại, hoặc không đưa ra bằng chứng đã chích dại. Nạn nhân buộc phải tiêm các mũi huyết thanh post-exposure để ngừa virus ngay lập tức. Chủ chó sẽ sẽ bị quy tội hình sự và án tù nếu cố tình trốn tránh không chịu trách nhiệm. Chủ chó sẽ đối mặt án phạt rất nặng vì không chích dại cho chó, gây nguy hiểm cho cộng đồng, có nhiều mức án cho điều này: chó chết, chủ đi tù. Đã vậy nạn nhân có thể kiện, tùy mức độ nghiêm trọng mà bồi thường nhiều hơn nữa.
Thế nên, thứ hai là xổ giun, tiêm phòng đầy đủ, đặc biệt là bệnh dại.
Ở Việt Nam vẫn chưa làm mạnh tay vấn đề này, vẫn còn tình trạng chó không được ngừa dại. Các loại bệnh khác nếu không tiêm, chó bạn chết, bị bệnh là chuyện của bạn. Nhưng nếu bạn không tiêm dại: bạn đang gây nguy hiểm cho cộng đồng. Xin phản biện ý của tác giả Lâm, bệnh dại là bệnh có thể ngừa được bằng cách tiêm phòng, hoàn toàn an toàn miễn là mỗi năm được chích bổ sung.
Chó nhà, chó nuôi chỉ mắc bệnh dại khi chưa chích dại cộng với việc bị chó hoang cắn. Chó mắc bệnh sẽ có các dấu hiệu nhiễm bệnh, sốt, sợ nước, sợ ánh sáng, yếu ớt, chảy dãi, kích động. Không phải chó nhà nào cũng mắc bệnh dại, nhưng một phần lớn chó hoang mang mầm bệnh này.
Nếu người lỡ bị chó cắn mà không biết có chích dại chưa thì có thể tiêm post-exposure có huyết thanh kháng virus cũng hiệu quả gần như tuyệt đối. Bệnh dại không phải bị kích thích mà phát, mà khi đã bị cắn là bị mắc, virus nhân lên ở tế bào não, làm thay đổi chức năng não, sưng não, viêm não. Không phải bất cứ con chó nào cũng có mầm bệnh dại. Bệnh dại tồn tại ngoài tự nhiên, chó hoang (đặc biệt ở châu Á), chồn, chồn hôi, cáo, dơi là những vật chủ thường thấy của bệnh dại.
Chó là loài đã được thuần hóa từ 10.000 năm trước, sống gần con người, không tồn tại ngoài tự nhiên trừ chó hoang. Chó nuôi ở đô thị rất ít khả năng mắc dại trừ khi chủ không tiêm phòng và thả rông. Bệnh dại có thể phòng ngừa hoàn toàn hiệu quả, hoặc nếu bị cắn bởi chó dại thì trong vòng 12-24h đi tiêm ngừa ngay.
Thứ ba, kiểm soát hành vi của chó.
Bạn phải có trách nhiệm với chó của mình, nếu chó của bạn dữ, bạn không được mang chó của bạn ra nơi công cộng, hoặc mang rọ mõm, dẫn đi dạo có dây dắt.
Chó dữ là do chủ nuôi. Có hai trường hợp chó dữ. Một là chó được dạy cho dữ, để tấn công, chủ chó muốn chó dữ để chọi chó, để ra oai (trường hợp này ở Mỹ chỉ cần người dân kiến nghị, tòa án có thể quyết định cho tiêu hủy). Hai là chó dữ là do bị đối xử không đúng cách, ngược đãi, đánh đập, bỏ rơi nên bản năng sinh tồn buộc chúng phải dữ để bảo vệ mình.
Thứ tư, triệt sản.
Điều này cần thiết nhưng tùy các bạn có thể có quan điểm khác. Theo nơi mình sống triệt sản là bắt buộc, để giảm số lượng chó hoang, chó không được nhận nuôi đầy các shelter sẽ phải bị tiêu hủy. Chỉ những breeder - người nhân giống chó có giấy phép mới được nhân giống và bán chó vì họ đảm bảo sức khỏe và chất lượng chó. Khi giảm được số lượng chó hoang cũng là giảm nguy cơ gây bệnh. Triệt sản cũng có lợi cho sức khỏe vật nuôi, tăng 2-5 năm tuổi thọ, giảm được nguy cơ một số loại ung thư và giảm các vấn đề hành vi như đi hoang, hung dữ, cạnh tranh lãnh thổ dẫn đến đánh nhau).
Tóm lại, người nuôi chó, chó của bạn chỉ được giới hạn trong phạm vi nhà cửa bạn. Nếu bạn dẫn ra ngoài, bạn có trách nhiệm dọn chất thải, mang rọ mõm nếu cần thiết, bắt buộc có dây dẫn để bạn có thể điều khiển chó không cắn người, không làm phiền người khác. Là người chủ có trách nhiệm, bạn nên tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi, sổ giun để phòng tránh bệnh cho chính bạn và cộng đồng. Phần cuối cùng, mình nói kỹ hơn góc nhìn khoa học về vấn đề ăn thịt chó.
Trừ lý do đạo đức và "đặc sản địa phương", thịt chó không được quản lý, không được xét nghiệm an toàn thực phẩm nên không phù hợp làm thực phẩm. Trong nghiên cứu mầm bệnh trong thịt chó, 20% chó được xét nghiệm ở lò mổ chó ở Hoài Đức (Hà Nội) nhiễm bệnh dại, đa phần đều nhiễm ký sinh trùng Listeria, E. Coli, Salmonella (gây bệnh đường ruột), Rickettsia (bệnh sốt rét), Trichinella (sán cầu lợn) lại còn nguy cơ dính độc do bả.
Một số mầm bệnh khác được tìm thấy trong thịt chó: anthrax (bệnh than), brucellosis (sốt kéo dài), hepatitis (viêm gan), leptospirosis (gây nhiễm trùng nặng). Những bệnh trên có thể lây qua đường tiếp xúc, không chỉ tiêu thụ, nên người trộm chó, người giết mổ, người làm thịt chó cũng có khả năng lây nhiễm bệnh.
Ở Hàn Quốc, người ta nuôi chó lấy thịt, họ có trang trại để nuôi nên ít nhất cũng có biện pháp đề phòng dịch bệnh có thể lây cho người, ít nhất cũng có phương pháp quản lý. Còn ở Việt Nam, chó trộm, chó hoang, chó đánh bả... ai đảm bảo miếng thịt sẽ an toàn đây?
Tác giả Lâm nói "con nào cũng có bệnh của riêng nó, con người vẫn ăn". Điều này không đúng, heo nhiễm cúm heo, gà nhiễm cúm gà, trâu bò mắc lở mồm long móng, bò mắc bò điên thì chính quyền bắt buột phải tiêu hủy. Vì đó là động vật đã nhiễm bệnh, không thể mang đi tiêu thụ. Thịt động vật tự nhiên sẽ chứa vi khuẩn và sẽ được tiêu diệt khi nấu chín, nhưng thịt động vật nhiễm bệnh thì không như vậy. Chó mắc bệnh cũng không thể được tiêu thụ.
Cần phân biệt động vật an toàn để được tiêu thụ và động vật nhiễm bệnh. Ý kiến "các động vật khác cũng có bệnh con người vẫn ăn được nên chó mắc bệnh cũng ăn được" là rất sai, rất nguy hiểm.
Ví dụ vì sao vừa rồi phải tiêu hủy lợn nhiễm sán cầu lợn, vì con người ăn vào là nôn tháo, tiêu chảy, nhiễm trùng đường ruột, nhiễm khối u, ảnh hưởng não. Thịt động vật nhiễm bệnh có thể gây bệnh nghiêm trọng cho người. Đây là lý do người ta chăn nuôi gia súc, gia cầm để lấy thịt, để hạn chế dịch bệnh, kiểm tra chất lượng và độ an toàn, chọn giống tốt, chất lượng tốt để chăn nuôi là có lý do của nó. Trâu, bò, gà, lợn mắc bệnh thì không được mang đi tiêu thụ.
Tác giả Lâm "nói động vật nào cũng bắt nguồn từ hoang dã" là đã bỏ qua nhiều ngàn năm con người đã thuần hóa và chăn nuôi làm lương thực,bỏ qua nỗ lực của chính quyền và nông dân trong việc cung cấp thực phẩm sạch, không mang bệnh. Thịt chó không thể xem là thực phẩm sạch vì chúng không được kiểm soát, không được kiểm dịch, thịt không rõ nguồn gốc, đa phần là chó hoang mắc bệnh, không được nuôi trong trang trại, không chứng minh được là chó nhà nuôi bán cho quán lấy thịt.
Tôi hy vọng mọi người sẽ tiếp nhận vấn đề theo nhiều hướng: Chủ chó nuôi có trách nhiệm hơn thì việc nuôi chó sẽ an toàn, giảm các ca chó thả rông tấn công người, giảm số lượng chó hoang (chó mang bệnh).
Còn việc ăn thịt chó, thế hệ trẻ ngay cả ở các nước Trung Quốc, Philippines cũng thời dần từ bỏ thói quen ăn một món thịt mà biết nguy cơ cao là không sạch, không an toàn... Tôi hy vọng người Việt cũng dần thay đổi. Vì sức khỏe của bản thân và vì an toàn cho cộng đồng (những bệnh trên có thể lây nhiễm chứ không phải "tôi ăn tôi bệnh kệ tôi").
Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến
.
Crescy D. Nguyen